A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Gìn giữ nghề đan lát truyền thống M’nông

Đan lát là một nghề thủ công truyền thống có từ lâu đời của người M’nông. Với đôi bàn tay khéo léo và tài hoa, các nghệ nhân người M’nông trên địa bàn tỉnh đã tạo ra các sản phẩm như: gùi, nia, rổ, dụng cụ đánh bắt cá và các vật dụng khác phục vụ trong đời sống hằng ngày của gia đình...

Một điều khá đặc biệt là việc đan lát truyền thống của người M'nông chỉ do đàn ông thực hiện. Ngày xưa, khi các nam thanh niên M’nông lớn lên, đến tuổi trưởng thành đều được ông cha truyền dạy cho cách đan lát các vật dụng sinh hoạt trong gia đình.

Kỹ thuật đan lát được thanh niên học tập rất chăm chỉ từng chi tiết. Các vật dụng này được đan từ những nguyên liệu sẵn có trên rừng như tre, nứa, song, mây... Để tạo ra một sản phẩm đan lát hoàn chỉnh và có tính thẩm mỹ cao đòi hỏi người thợ phải tỉ mỉ, kiên nhẫn và mất khá nhiều thời gian, từ 5 - 7 ngày mới đan xong một cái gùi; còn rổ, rá, nia thì khoảng thời gian 2 - 3 ngày.

/upload/102506/20230307/grabe520dbaodaknong.org.vn_database_image_2021_09_01__3654_xh_31.jpg

Nghệ nhân K’Rah, bon Jiang Bơ, xã Trường Xuân (Đắk Song) là người luôn miệt mài đan gùi

Lúc đầu, người đan phải vào rừng chặt nguyên liệu như mây, lồ ô, tre… Họ phải tìm được cây thẳng, không bị sâu mọt, không già mà cũng không non, chặt thành từng khúc dài ngắn tùy theo kích cỡ to nhỏ của vật dụng, nhưng chủ yếu có chiều dài khoảng 80 cm - 1m.

Nguyên liệu mang về phải được chẻ thô, phơi thật khô để bảo đảm không bị co rút. Còn dây mây, các nghệ nhân để từng sợi dài gác trên bếp khi cần mới lấy xuống, vót bỏ ruột, còn cật của cây mây đem nhúng nước khoảng 20 - 30 phút mới lấy ra để buộc. Trước khi đan, người ta chẻ nan tùy theo từng sản phẩm; chẻ xong thì vót đều các nan để khi đan các nan được khít vào nhau và không tạo ra kẽ hở.

Trong nghề đan lát truyền thống của người M'nông, vật dụng được đan phổ biến nhất vẫn là gùi. Gùi là vật dụng đựng các sản phẩm lương thực như lúa, ngô, khoai, sắn… từ vườn rẫy về và đựng đồ ăn khi đi nương rẫy. Gùi cũng là sản phẩm được trang trí hoa văn cầu kỳ bắt mắt nhất. Nghệ nhân giỏi thì mới tạo được những hoa văn sắc sảo, bắt mắt của mỗi chiếc gùi khi được hoàn thiện.

Việc tạo hoa văn trên gùi là công đoạn khó và rất cần thiết thể hiện sự khéo léo, kinh nghiệm đã đan lâu năm của nghệ nhân. Thường thì hoa văn trên gùi được thực hiện theo các mô típ hình tam giác, hình vuông…, được tạo nên bởi cách cài màu kết hợp với những mảnh vải xanh, đỏ, tím, vàng ở miệng gùi làm cho cái gùi nổi bật hơn. Còn các sản phẩm như sàng, nia, rổ, rá, đờm bắt cá... thì việc đan đơn giản và dễ dàng hơn. Hầu hết các nghệ nhân đều thực hiện được.

/upload/102506/20230307/graba2c35baodaknong.org.vn_database_image_2021_09_01__3654_xh_32.jpg

Nghệ nhân K’Lanh, bon Ting Wer Đăng, xã Đắk Ha (Đắk Glong) đan được nhiều vật dụng như gùi nia, rổ, đờm cá…

Ngày nay, nghề đan lát truyền thống của người M’nông không còn phổ biến nhiều như trước nữa mà vẫn tồn tại ở quy mô mỗi một thôn, bon chỉ có vài nghệ nhân biết đan lát. Bên cạnh đó, do sự cạnh tranh từ các sản phẩm công nghiệp với mẫu mã đa dạng, tiện lợi hơn nên các sản phẩm đan lát truyền thống không còn được nhiều người lựa chọn như trước.

Thêm nữa, những người biết đan lát thường là người lớn tuổi, còn thế hệ trẻ phải làm ăn, ít mặn mà học hỏi nghề này. Do đó, để giữ được nghề thì người già biết nghề cần thường xuyên nhắc nhở, hướng dẫn, truyền dạy cách đan lát các vật dụng cho lớp trẻ. Còn thế hệ trẻ phải chịu khó học hỏi nghề đan, để góp phần lưu giữ vẻ đẹp văn hóa truyền thống của dân tộc mình.

 


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Thông báo
Hệ Thống Công Vụ
Thống kê truy cập
Lượt truy cập hiện tại : 5
Hôm nay : 0
Năm 2024 : 770
Website huyện